Bức tượng David đã chạm đến đỉnh cao thật sự về niên đại, tỉ lệ, hình mẫu và giá trị nghệ thuật của điêu khắc.

Trong số nhiều câu chuyện bước ra từ Kinh Thánh, câu chuyện về cuộc chiến giữa chàng David và gã khổng lồ Goliath vẫn là nổi trội hơn cả.

Khoảng 1000 năm TCN, Israel khi đó là quốc gia có vị trí chiến lược của khu vực Trung Đông. Dĩ nhiên, họ luôn là “miếng mồi” để các quốc gia láng giềng có giàu tham vọng chiếm đóng, xâm lăng nhằm mở rộng bờ cõi.

Trong một cuộc chiến giữa người Israel với quân đội Philistines, cả hai bên thống nhất sẽ tổ chức cuộc đấu tay đôi giữa hai cá nhân xuất sắc nhất của mình. Đây là phương án để phân định thắng bại nhanh chóng, trong khi vẫn bảo toàn nguồn lực của các bên tham chiến.

Phía Philistines đề cử gã khổng lồ Goliath ra tham chiến, trong khi phía Israel vì quá kinh sợ trước sức vóc của gã nên chẳng ai dám xung phong. Sau cùng vua Saul buộc phải chọn chàng trai nhỏ bé David – người không thuộc quân đội nhưng đã mạnh dạn đứng ra nhận lãnh trách nhiệm này.

Hình ảnh cuộc chiến giữa David và gã khổng lồ Goliath (ảnh: Science News).

Từ chối gươm giáo và áo giáp của quân đội, David chỉ bước vào trận chiến với một dây gạch vỡ và con dao nhọn trên tay. Gã khổng lồ liền lao đến như muốn xé David ra làm nhiều mảnh, nhưng chưa kịp ra đòn thì đã bị đối phương vung thẳng dây gạch vào giữa trán.

Chớp thời cơ Goliath đổ gục xuống, chàng David ngay lập tức dùng dao nhọn cứa đứt cổ đối thủ. Quân đội Philistines nhanh chóng quy hàng rồi tháo chạy tán loạn, trong khi chiến thắng của chàng David và đoàn quân Israsel thì đi vào lịch sử một cách hào hùng.

Sau này David được suy tôn lên làm vua, hình tượng chàng David cũng trở thành đề tài danh giá và phổ biến hàng đầu của nghệ thuật điêu khắc. Ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng ôn lại lịch sử, cũng như đi tìm nguyên nhân để bức tượng David trở thành tác phẩm in đậm dấu ấn trong lòng công chúng yêu nghệ thuật.

>> Xem thêm: Tượng đồng nghệ thuật và những giá trị thẩm mỹ

Lịch sử của bức tượng David

Vào giữa thế kỷ thứ 15, một khối đá cẩm thạch cao hơn 5 mét sau khi khai thác đã được vận chuyển đến Florence, Ý nhằm phục vụ cho công trình điêu khắc thuộc nhà thờ Santa Maria del Fiore.

Hai nhà điêu khắc hàng đầu lúc bấy giờ là Agostino di Duccio và Antonio Rossellino đã tiếp quản khối đá, nhưng rồi dự án bị hoãn đến năm 1501 mới được bắt đầu trở lại. Lần này người thực hiện là Michelangelo – nhà điêu khắc khi đó mới 26 tuổi và là bạn thân của danh họa xuất chúng Leonardo da Vinci.

Trong suốt 4 năm đảm nhận và hoàn thiện bức tượng David, Michelangelo còn nhận thêm một số dự án khác vì mức thù lao 400 bạc ducat là tương đối ít ỏi – dù rằng nó hợp lý với danh tiếng còn chưa quá nổi trội khi đó của ông.

Nhưng có một thực tế là công trình bức tượng David đã lấy đi nhiều sức lực, tâm huyết của Michelangelo. Trong bản ghi nhớ vào năm 1501 có đoạn viết cho thấy, khối đá cẩm thạch đã được hai nhà điêu khắc đi trước “đục đẽo một cách tồi tệ.”

Một số đường nét tạo hình trước đã được xác nhận, đó là chưa kể đến hơn 30 năm khối đá nằm trơ trọi phía ngoài khuôn viên nhà thờ – chịu nhiều tác động tiêu cực của thời tiết hay các yếu tố ngoại quan.

Chân dung nhà điêu khắc Michelangelo (ảnh: Artnet News).

Nghĩa là Michelangelo chấp nhận tiếp quản dự án này và “nhận lãnh” sự cẩu thả của những người đi trước, vậy mà ông vẫn có thể hoàn thiện xong bức tượng David chỉ trong 4 năm. Không những vậy tác phẩm tượng David còn được công nhận là tác phẩm điêu khắc khoả thân đẹp nhất mọi thời đại.

Bức tượng David bản gốc nay đặt tại Phòng trưng bày Accademia, trong khi bản sao nổi tiếng nhất được đặt tại Quảng trường Duom, và còn một bản sao bằng đồng nữa ở Piazzale Michelangelo.

Giá trị nghệ thuật của bức tượng David

Đi ngược lại hình tượng David trong các tác phẩm điêu khắc của Caravaggio hay Donatello – với hình ảnh chàng David oai phong nắm trong tay con dao nhọn và cái đầu gã khổng lồ Goliath, Michelangelo lại chọn khắc hoạ hình ảnh của David ngay trước cuộc chiến này.

Bức tượng David với hình ảnh chàng trai đang đứng hơi nghiêng người, tay trái đặt nhẹ lên vai còn tay phải thả xuôi ép sát thân người. Gương mặt David là sự trộn lẫn giữa hùng dũng, nghiêm nghị nhưng đầy đăm chiêu.

Bức tượng David ở phòng trưng bày Accamedia (ảnh: Encyclopedia Britannica).

Giới mộ điệu về sau đã phỏng đoán rằng, bức tượng David của nhà điêu khắc Michelangelo lấy hình tượng chàng David đang suy nghĩ, đắn đo trước cảnh tượng đội quân Israel ai nấy đùn đẩy nhau, chẳng ai dám xung phong “quyết tử” với gã khổng lồ Goliath.

Có một luồng ý kiến khác thì nhận định, bức tượng David của Michelangelo mô tả chính xác hình ảnh chàng David trong tư thế chuẩn bị ra đòn. Cơ sở của phỏng đoán này nằm ở tư thế hơi nghiêng người, chân trái nhún nhẹ cùng chi tiết cơ bắp và mạch máu bên cánh tay phải nổi cộm lên.

Cần nhớ rằng Michelangelo tiếp nhận khối đá cẩm thạch trong trạng thái khối đá không nguyên vẹn, thiếu cân xứng và đã trải qua nhiều đường nét tạo hình của “người tiền nhiệm.”

Hình ảnh cánh tay phải của bức tượng David (ảnh: Context Travel).

Việc hoàn thiện bức tượng David đã là khó, đưa tác phẩm chạm đến đỉnh cao của giải phẫu hình thể và nghệ thuật điêu khắc còn khó gấp vạn lần.

Ngày nay bức tượng David vẫn được tán thán là tác phẩm điêu khắc khoả thân đẹp nhất thế giới. Cùng với tác phẩm Bữa ăn cuối cùng của Leonardo da Vinci, bức tượng David xứng đáng với vị thế biểu tượng cho nền nghệ thuật nước Ý trong suốt giai đoạn Phục Hưng.

Xin chân thành cảm ơn,